Tin mới
TINH THẦN VÌ ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC CỦA MINH VƯƠNG NGUYỄN PHÚC CHU - TT. Thích Đạt Đạo
*DẪN NHẬP
Trong lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phải đấu tranh chống chọi lại những khắc nghiệt của thiên nhiên như thiên tai, lũ lụt (chuyện Sơn Tinh-Thủy Tinh), chống lại giặc ngoại xâm phương Bắc (chuyện Phù Đổng Thiên Vương-Thánh Gióng, Trọng Thủy-Mỵ Châu)…, nhân dân ta cần cù lao động để xây dựng đất nước (chuyện Mai An Tiêm, chuyện Bánh giày bánh chưng)…Bên cạnh đời sống vật chất, tổ tiên ta cũng sớm có những hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo (chuyện Con Rồng cháu Tiên, chuyện Tiên Dung-Chử Đồng Tử). Và, một may mắn là dân tộc ta sớm tiếp nhận ánh sáng, tư tưởng của Phật giáo. Như nhà sử học Trần Văn Giàu đã viết :” Bình minh của dân tộc ta gắn liền với sự tiếp thu tư tưởng Phật giáo”. Điều này đã làm cho dân tộc Việt Nam có nền văn hóa tương đồng với văn hóa Phật giáo. Trải theo chiều dài lịch sử, có thời gian dài Phật giáo là quốc giáo của nước ta. Điển hình là thời đại Lý-Trần với các nhà sư nổi tiếng Khuông Việt, Vạn Hạnh, đặc biệt là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Cuối thời Trần, sang thời Hậu Lê, Phật giáo bị thoái trào, đất nước loạn lạc.Giặc Minh phương Bắc lại sang xâm chiến nước ta. Nhà Minh thẳng tay đàn áp, tịch thu sách vở, đốt xé kinh tạng, đập phá chùa chiền, bắt sư sãi phải ra đời.Tội ác giặc Minh vô cùng tàn bạo mong làm cho dân ta mất bản sắc dân tộc. Sau khi giành lại độc lập, các vua Hậu Lê đã chấn hưng đất nước, xây dựng Nhà nước phong kiến theo tư tưởng Nho giáo. Phật giáo không còn giữ vai trò quốc giáo, song đất nước độc lập cũng tạo cho Phật giáo từng bước hồi sinh. Chiến tranh Nam –Bắc triều giữa nhà Lê và nhà Mạc, rồi cuộc chiến Nam-Bắc phân tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn làm cho cuộc sống nhân dân ngày càng lầm than. Người dân càng cần một nơi đã an dưỡng tầm hồn thanh tịnh, hướng về một thế giới an lạc. Trong hoàn cảnh đó ở Đàng Trong, một vị Minh Vương đã có công gây dựng đất nước thanh bình, đưa tư tưởng phật giáo vào trị quốc, cuộc sống nhân dân ấm no. Đó là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu.
I-HOÀN CẢNH LỊCH SỬ:
1-Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) là đời chúa thứ 6 ở Đàng Trong. Ngài lên ngôi chúa năm 1691. Trước ngài là chúa Tiên Nguyễn Hoàng (-1613), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691).
2-Ngài lên ngôi trong hoàn cảnh Đàng Trong vừa trải qua 7 cuộc đại chiến tàn khốc với chúa Trịnh ở Đàng ngoài. Cuộc chiến lần thứ nhất năm 1627, lần thứ hai năm 1633, lần thứ ba năm 1643, lần thứ tư năm1648, lần thứ năm kéo dài từ 1655 đến 1660, lần thứ sáu kéo dài hai năm 1661-1662, lần thứ bảy 1772. Khi ngài lên ngôi, cuộc chiến giữa hai Đàng đã kết thúc gần 20 năm, sau khi chúa Trịnh (Trịnh Căn) và chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Lan) đồng ý chia cắt đất nước lâu dài, lấy sông Gianh làm ranh giới.
3-Cuộc chiến Nam-Bắc phân tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn kéo dài 46 năm, đây là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, sức người, sức của bị hao mòn, lòng người ly tán, đất nước kiệt quệ. Khi cả hai bên đều có lợi thế riêng và có những điểm yếu không thể tiêu diệt nhau thì giải pháp phân chia đất nước đã giúp cho hai Đàng có cơ hội nuôi dưỡng sức dân, xây dựng nền hòa bình riêng, phát triển kinh tế để rồi lại đánh nhau tranh giành cương thổ. (Đúng 100 năm sau vào năm 1772, khi Đàng Trong phải đối phó với ba anh em nhà Tây Sơn nổi lên ở Quy Nhơn, chúa Trịnh kéo đại quân vào đánh chúa Nguyễn).
4-Sau khi lấy sông Gianh chia cắt đất nước, ở Đàng Ngoài chúa Trịnh chuyên quyền, lấn át vua Lê, ở Đàng Trong chúa Nguyễn một mặt phòng thủ để ngăn ngừa sự tấn công của Đàng Ngoài, một mặt chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là chú trọng khai hoang, mở rộng bờ cõi về phương Nam.
II-HOÀN CẢNH XÃ HỘI :
1-Đất nước ta thời kỳ ấy, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Các tầng lớp dân cư gồm 3 thành phần chính là sĩ, nông và binh. Sĩ là các trí thức nho giáo, những người có học thi đậu được bổ nhiệm làm quan, làm ông đồ, làm thầy thuốc. Nông là những người làm ruộng, cày cuốc, chăn nuôi làm ra lương thực, thực phẩm. Binh là lính, thanh niên trai tráng đều phải vào quân đội để sẵn sàng chiến đấu khi Đàng Ngoài xâm lấn hay chống lại sự quấy phá của các nước ở phía Nam như Chiêm Thành…
2-Khi đất nước tạm yên ở hai miền, với chính sách phát triển nông nghiệp, các chúa Nguyễn đã đưa người dân từ các vùng đất khô cằn chật hẹp ở Quảng Nam, Thuận Hóa tiến dần vào phương Nam. Đi đến đâu mở rộng ruộng đất đến đó, cấp đất cho dân trồng trọt, chăn nuôi, dần dần hình thành ấp, thành làng, đặt quan chức trông coi.
3-Thế kỷ XVII, các nước phương Tây đóng được nhiều thuyền to đi biển . Nhiều thuyền buôn các nước phương Tây, Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản đến xin buôn bán ở Đàng Trong (Hội An, Quảng Nam , Quy Nhơn …) đã được các chúa Nguyễn cho phép thông thương, trao đổi hàng hóa, bước đầu hình thành tầng lớp người buôn bán. Đi theo các thương nhân nước ngoài là các tu sĩ đi tìm vùng đất mới để hoằng pháp (các nhà sư Trung Hoa, Ấn Độ ), truyền giáo ( Giáo sĩ Thiên chúa giáo Bồ Đào Nha, Pháp…).
4-Thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu nhiều người dân trung thành với Nhà Minh, chống lại triều đại nhà Thanh, bỏ nước ra đi. Họ đến Đàng Trong, Chân Lạp để xin tỵ nạn. Các chúa Nguyễn mở rộng vòng tay cưu mang, cấp cho họ những vùng đất phía Nam để định cư, lập nghiệp ổn định cuộc sống lâu dài, hình thành công đồng người Minh Hương (người Hoa) tại VIệt Nam.
5-Lãnh thổ Đàng Trong, từ khi chúa Tiên -Nguyễn Hoàng vào Nam lấy miền Đất Thuận Hóa, Quảng Nam mở đầu cơ nghiệp là vùng đất hẹp, khô cằn. Phía bắc phải thường xuyên chống chọi lại chúa Trịnh. Phía Nam thường xuyên bị Chiêm Thành mang quân lên đánh phá. Trước tình hình đó, các chúa Nguyễn phải mang quân vào bình ổn. Sau mỗi cuộc chiến với Chiêm Thành, Vương quốc Champa, Thủy Chân Lạp bờ cõi Đàng Trong càng mở rộng về phương Nam . Người Chiêm thành, Champa, Chân Lạp với tín ngưỡng Hồi giáo cùng sống với những người Việt từ phía Quảng Nam, Thuận Hóa chuyển vào.
III-THỰC TRẠNG CÁC TÔN GIÁO:
1- Phật giáo đang trong thời kỳ cuối của thoái trào, đang trên con đường chấn hưng mạnh mẽ:
- Do ảnh hưởng lâu dài của cuộc chiến tranh, nhiều chùa chiền bị tàn phá, nhiều tăng sĩ không có điều kiện tu học.
- Nhiều kinh sách Phật giáo, kinh thư của các chùa bị Nhà Minh đốt bỏ hay tịch thu về Trung Quốc, việc học hành tìm hiểu giáo lý cho các tăng sĩ là vô cùng khó khăn.
- Truyền thống văn hóa dân tộc với đặc thù tương đồng với tư tưởng Phật giáo vẫn còn sâu đậm trong máu, trong tim của mỗi con người Việt Nam . Nhờ thế, dù có trải qua nghịch cảnh thế nào, người dân Việt Nam luôn có lòng thành hướng về Phật pháp. Những nơi có điều kiện thì hầu như chùa được xây dựng, dù nhiều chùa còn đơn sơ. Chính vì thế, các chúa Nguyễn sau khi vào miền Thuận Hóa đã không ngừng cho tu bổ, sửa sang cho chùa khang trang và đẹp đẽ hơn. Điển hình nhất là chùa Thiên Mụ vốn là ngôi chùa có sẵn trên đồi Hà Khê (Huyện Hương Trà- Xứ Thuận Hóa). Nhân dịp đi thăm thú quê hương mới, chúa Tiên nghe kể chuyện tại đây, hàng đêm có bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện nói rằng :”rồi sẽ có chân chúa lập chùa ở đây để tụ khí cho bền long mạch”. Năm 1601 chúa Tiên xây lại chùa và đặt tên là chùa Thiên Mụ (tức là chùa của bà lão linh thiêng). Năm 1602 chúa Tiên trùng tu chùa Sùng Hóa….
- Nhiều nhà sư từ Trung Quốc theo thuyền buôn của thương nhân vào Quy Nhơn, Thuận Hóa, Quảng Nam theo tông phái Lâm Tế, Tào Động xây dựng chùa, hoằng pháp bước đầu chấn hưng Phạt giáo Việt Nam theo phái Thiền tông. Nhiều chùa được xây dựng ở Đàng Trong, nhiều danh tăng được dân chúng kính trọng, được các chúa trọng thị. Như nhà sư Hưng Liên phái Tào Động lập Chùa Tam Thai, Quảng Nam ; nhà sư Nguyên Thiều lập chùa Di Đà Thập Tháp ở Bình Định ….
2- Vùng đất mới mở mang với tín ngưỡng Ấn Giáo, Hồi Giáo :
Do đặc thù của mỗi vùng đất, người dân Champa, Thủy Chân Lạp phần đông theo tín ngưỡng Hồi giáo, Ấn giáo. Khi cương thổ cùng hòa nhập, tín ngưỡng Hồi giáo, Ấn giáo tồn tại đồng thời với các tín ngưỡng khác trong cộng đồng người Chăm.
3- Cộng đồng người Minh Hương với Phật giáo Bắc Tông:
Những người Hoa trung thành nhà với nhà Minh, khi định cư ở nước ta đã mang theo tín ngưỡng, trong đó có tinh ngưỡng dân gian như thờ bà Thiên Hậu, Quan Thánh đế, Phật giáo Bắc tông Đại thừa …
4- Tín ngưỡng Thiên chúa giáo hình thành phôi thai thông qua các giáo sĩ và thương nhân phương Tây :
Chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu hình thành và phát triển ở châu Âu, hàng hóa thương mại dồi dào, mong muốn tìm kiếm thị trường mới. Nhiều tàu thuyền phương Tây cập bến Quảng Nam , Hội An, Quy Nhơn…Một số giáo sĩ đã đo vẽ bản đồ nước Việt, tìm hiểu cuộc sống người Việt báo cáo về chính quốc. Giáo hội Thiên chúa La Mã đã cử nhiều giáo sĩ sang tìm cách truyền đạo ở nước ta. Các giáo sĩ gặp khó khăn vì họ dùng chữ La tinh, còn nước ta sử dụng tiếng Nôm nên họ đã tìm cách ghi âm tiếng nước ta bằng chữ La-tinh. Giáo sĩ Bá-Đa-Lộc (Alexande De Rhode) là đầu tiên người thực hiện ghi tiếng Việt bằng chữ La-tinh mà mục đích là để truyền bá đạo Thiên chúa. Một số người dân đã theo đạo này, dù họ thường bị người Việt tẩy chay vì họ theo Thiên Chúa mà bỏ thờ cúng tổ tiên ông bà.
IV-NHỮNG TƯ TƯỞNG CỦA MỘT MINH VƯƠNG:
Trước hoàn cảnh lịch sử, xã hội, tôn giáo phức tạp như vậy, khi lên ngôi chúa năm 1691, Nguyễn Phúc Chu phải chọn đường lối thế nào để phát triển đất nước đàm bảo giữ yên bờ cõi phía bắc, mở rộng bờ cõi phía nam, chấn hưng kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ?
Ngài đã cò những suy nghĩ thật sáng suốt, táo bạo và tài tình.
Trước hết, chúng ta nhận thấy :
-Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu sinh ra đời gặp thời vận, nghĩa là sinh phùng thời, hay xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm. Quốc chúa sinh ra đời vào năm 1675, sau khi cuộc chiến tranh Nam-Bắc kết thức được 3 năm. Đàng Ngoài và Đàng Trong lấy sông Gianh làm giới tuyến chia cắt 2 miền. Nạn chiến tranh chết chóc đã qua. Hai Đàng đang lo việc tái thiết.
-Quốc chúa được thừa hưởng từ tổ tiên tinh thần lập quốc. Từ thời khai khẩn đất hoàng vùng Thuận Hóa, Quảng Nam , chúa Tiên và các triều chúa kế tiếp luôn xem trọng việc giữ gìn và mở rộng bờ cõi. Người dân được các chúa quan tâm cấp đất khai khẩn, làm nông nghiệp, tay cày tay gươm, đúng như tình thần hai câu thơ của nhà thơ tướng Huỳnh Văn Nghệ đã viết sau này :”Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Ngàn năm còn nhớ đất Thăng Long”. Dòng máu tổ tiên đã hun đúc cho Quốc chúa những quyết định sáng suốt trong cuộc dựng xây bờ cõi, cương thổ quốc triều.
-Quốc chúa được sinh ra và được giáo dục trong môi trường mà ông, cha đều là những người tôn sùng đạo Phật. Chính cha ngài là Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn là một vị chúa hết sức mộ đạo. Chúa Nghĩa đã hai lần cử nhà sư Nguyên Thiều sang Quảng Đông mời các cao tăng danh tiếng trong đó có Hòa thượng Thích Đại Sán sang Đàng Trong truyền đạo Phật, nhưng không mời được vị Hòa thượng nổi tiếng này.
-Quốc chúa lại hữu duyên được gặp Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán). Với tinh thần cầu đạo pháp, thấm nhuần tư tưởng vị tha, từ bi, hỷ xả, ngài đã tiếp thu tư tưởng Phật giáo đồng thời biết lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến tham mưu của Hòa thượng Thạch Liêm trong nội trị, ngoại giao và kinh tế, quốc phòng…Bài Tự của chúa viết trong sách Hải ngoại ký sự của Hòa Thượng Đại Sán ghi:”… Từ lúc đến vào mùa xuân năm Ất Hợi cho tới mùa hạ năm Bính Tý, được gần gũi cung dưỡng. Ngoài chuyện ngày đêm giảng dạy đạo lý, còn chỉ bảo kỷ cương luân thường. Từ chuyện to đến chuyện nhỏ đều vạch lối chỉ đường, phân tích rõ ràng mạch lạc, khác nào dẫn dắt người từ nơi tối tăm ra ánh sáng, giúp ích cho ta trong công việc chính cương trị quốc biết chừng nào…” .
-Quốc chúa gặp được tôi hiền, trung thần hết lòng phó tá. Điển hình là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người được Quốc chúa cử vào miền đất phương để Nam kinh lược, xây dựng và xác lập vùng đất Biên Hòa, Gia Định thành cương thổ chủ quyền của chúa Nguyễn.
-Quốc chúa được thụ hưởng một nến giáo dục cẩn thận, sự chuẩn bị chu đáo để ngài có thể nắm giữ trọng trách lãnh đạo triều đình.
-Quốc chúa được nhiều phúc báu, bản chất thông minh, khỏe mạnh, học giỏi võ, văn hay chữ tốt, trí tuệ sáng suốt. Đó phải chăng là phước báu của dân tộc Việt Nam khi có vị chúa như thế để phát triển cương thổ quốc gia to lớn như ngày nay và Phật giáo Việt Nam được chấn hưng trở lại?
IV-NHỮNG CÔNG NGHIỆP MANG TÍNH VÌ ĐẠO PHÁP VÀ VÌ DÂN TỘC:
1- Công nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Chu vì Đạo pháp :
a-Xây dựng chùa chiền : Tiếp nối truyền thống tổ tiên, khi lên ngôi chúa, ngài đã cho tu bổ xây dựng thêm chùa chiến như chùa Thiên Mụ, chùa Mỹ Am …
b- Đúc chuông, lập bia:
-Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả đại hồng chung cao 2,5 m nặng 3.285 cân ở chùa Thiên Mụ
-Năm 1915, chúa lại cho xây tấm bia cao 2,58 m đặt trên lưng con rùa bằng cẩm thạch.
Sách Đại Nam Nhất Thống chí quyển Kinh Sư, phần Tự Quán chép :” Hiển Tông Hoàng Đế (Minh Vương Nguyễn Phúc Chu ) Canh Dần năm thứ 19 (1710) đúc chuông lớn Chùa Thiên Mụ.”
c- Thỉnh cao tăng lập đàn thuyết pháp, truyền giới, quy y cho quần thần và dân chúng:
Trong bài Tự do chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng trên sách Hải ngoại Ký sự, của Hòa thượng Thạch Liêm chúa ghi :” Ta khi còn làm Thái tử thường hay ngưỡng mộ thầy ta ở chùa Trường Thọ. Vua cha ta lúc trước đã gửi thư hai lần mời mà không được. Mùa thu năm Giáp Tuất ta muốn thọ Bố Tát giới nên nối chí vua cha, ta đưa người qua rước, may được Hòa thượng nhận lời mời…”
d- Thỉnh kinh cho tăng sĩ tu học, chấn chỉnh và nâng cao đạo hạnh chư tăng:
- Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (quyển 18, trang 17) chép việc trung tu chùa Thiên Mụ năm 1714 có ghi :”… sai người qua Trung Hoa thỉnh Kinh, Luật, Tạng hơn 1000 quyển …”
e- Tạo điều kiện Phật giáo phát triển:
Dưới thời các chúa Nguyễn trong đó chúa Nguyễn Phúc Chu đã góp phần không ít, Phật giáo được tạo điều kiện phát triển, nhiều nhà sư từ Trung Quốc sang Đàng Trong lập chùa, giảng pháp, thu nhận đệ tử tu học :
- Thiền sư Trung Hoa Nguyên Thiều (1648-1728): vào năm 1677 sư đi theo thuyền buôn sang phủ Quý Ninh (Quy Nhơn),lập chùa Thập Bát Di Đà. Sau đó, sư ra Thuận Hóa xây chùa Quốc Ân .
- Thiền sư Minh Hoằng (thế kỷ XVII) dòng Lâm Tế đời thứ 34 từ Quảng Đông sáng lập chùa Ân Tôn tại Thuận Hóa , nay là chùa Từ Đàm. Trong số những người được sư truyền pháp, có ngài Liễu Quán.
- Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) thuộc dòng Lâm Tế , đời thứ 35. Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một phái linh động, có gốc rễ ở Đàng Trong. Trước ông, Phật giáo ở Đàng Trong mang màu sắc Quảng Đông. Ông đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế và làm cho thiền phái này trở thành phái đa số phật tử Đàng Trong.
- Thiền sư Giác Phong lập chùa Thiên Thọ nay là chùa Báo Quốc, ở núi Hàm Long ,Thuận Hóa.
- Thiền sư Từ Lâm xây chùa Từ Lâm trên khu đồi làng Dương Xuân, Thuận Hóa.
- Thiền sư Pháp Bảo , người Phúc kiến lập chùa Chúc Thánh, Quảng Nam .
- Thiền sư Pháp Hoá , người Phúc Kiến, lập chùa Thiên Ấn, Quảng Nam .
- Thiền sư Hưng Liên là người lập chùa Tam Thai ở Quảng Nam . Ngài được chúa Nguyễn Phúc Chu tôn làm quốc sư, trước khi Hòa thượng Thạch Liêm qua Đại Việt. Ngài là đệ tử của Hòa Thượng Thạch Liêm.
g- Bản thân chúa quy y, thọ Bồ tát giới, ăn chay thanh tịnh :
- Năm 1691 Nguyễn Phúc Chu lên ngôi chúa. Năm 1694 chúa mời được Hòa thượng Thạch Liêm sang Đàng Trong. Năm 1695, Hòa thượng Thạch Liêm tổ chức giới đàn ở chùa Thiền Lâm, chúa đã cùng quốc mẫu, công chúa, các hoàng huynh thọ Bồ Tát Giới. Nhiều quan lại của triều đình và dân chúng quy y , thọ giới. Hòa Thương Thạch Liêm đặt cho chúa đạo hiệu là Thiên Túng đạo nhân.
h- Bản thân chúa khiêm hạ, nhúng nhường làm gương cho triều thần, dân chúng:
- Trong bài Tự sách Hải ngoại ký sự, chúa Nguyễn Phúc Chu viết :”Đại Việt Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu thọ Bồ Tát Giới pháp danh Hưng Long đãnh lễ, viết vào ngày năm thàng năm năm Bính Tý…
k- Là Phật tử thuần thành, ngài luôn sử dụng pháp danh trong danh xưng:
- Bia đá do chúa Nguyễn Phúc Chu lập ở chùa Thiên mụ năm 1715 có ghi :”…Chúa dựng chùa Thiên Mụ, Chúa Nguyễn Phúc Chu kế truyền chính tông phái Động thượng đời thứ 30, pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân ghi văn bia và dựng bia bền vững ở chùa Thiên Mụ, xứ Thuận Hóa…” .
2-Những công nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Chu vì dân tộc :
a- Mở mang bờ cõi về phương Nam , thu phục lòng người, xây dựng đất nước hòa hợp, đoàn kết. Năm 1962 vùa Chiêm là Bà Tranh kéo quân đánh phá, chùa cho quân đi bắt, nhân thế chúa đổi Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành. Năm 1697 đặt Phủ Bình Thuận.Năm 1698 chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh chia đất Đông Phố thành hai miền : xứ Lộc Dã (Đồng Nai) làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa); lấy xứ Xài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (Gia Định).Năm 1708, Mạc Cửu là người Quảng Đông không phục nhà Thanh bò chạy sang Chân Lạp được vua Chân Lạp cho khai khẩn vùng đất Hà Tiên. Năm 1709, Mạc Cửu xin đem đất đó quy thuận chúa Nguyễn.
b-Dùng người Phương Tây để huấn luyện binh pháp và kỹ thuật quân đội.
c-Mở rộng thương cảng cho tàu thuyền các nước vào tự do buôn bán.
d-Trong việc chính sự biết lắng nghe lời góp ý của Hòa thượng Thạch Liêm để bớt thuế khóa, giảm hình ngục.
e- Trong ngoại giao đối xử khéo léo khiến người Trung Hoa phải gọi ngài là Quốc Vương Đại Việt dù ngài không được vua Thanh tấn phong Vương hiệu.
*KẾT LUẬN:
Sự phát triển Phật giáo ở Đàng Trong chính là do các chúa Nguyễn đã nhận thức rõ tầm quan trọng của tư tưởng Phật giáo. Các chúa Nguyễn lấy tư tưởng Phật giáo để giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc.
Tư tưởng Phật giáo đã được các chúa Nguyễn mà điển hình nhất là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, một vị chúa sáng suốt đã đem ánh sáng Phật pháp để lãnh đạo đất nước. Ngài đã làm cho đất nước bờ cõi mở rộng, chùa chiền phát triển, tăng sĩ cống hiến giúp đời, trong cuộc sống xã hội thì nhẹ thuế khóa, giảm bớt hình ngục, vua yêu thương con dân, chăm lo việc nước ngày càng cường thịnh.
Chúa Nguyễn Phúc Chu là một vị Minh chúa, biết lắng nghe lời nói thẳng, biết dựa vào sức dân. Ngài trọng dụng người tài, sử dụng người theo khả năng của họ. Biết tạo uy thế để giữ bờ cõi.
Dưới thời đại của chúa Nguyễn Phúc Chu, cuộc sống dân chúng được thanh bình, dân tộc hòa hợp. Nhiều tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn giáo của người Chiêm Thành, Chân lạp, Champa, đạo Thiên chúa hầu như không được phát triển. Đạo Phật ở Đàng Trong đã giữ vị trí hưng thịnh.
Tư tưởng yêu nước thương dân và mong muốn mọi người dân hướng về Phật pháp của chúa Nguyễn Phúc Chu thể hiện rõ trong bài minh trên chuông chùa Thiên Mụ do chính chúa viết như sau :
Duy nguyện phong vũ điều thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí ( Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sinh trong pháp giới đều vẹn tròn trí tuệ”).
Quả thật lãnh thổ Đàng Trong của các chúa Nguyễn đã trải qua hàng trăm năm mưa gió thuận hòa, nước mạnh, dân an lành. Chúng ta vô cùng khâm phục khi ngài nguyện chúng sinh trong pháp giới vẹn tròn trí tuệ. Chỉ có con người hiểu phật pháp sâu sắc mới có nguyện cầu toàn dân có trí tuệ. Trí tuệ chính là kết quả của quá trình công phu giữ “Giới –Định” để được “Huệ”. Khi con người có trí tuệ thì con người nhận rõ chân thực của cuộc đời. Tức là giác ngộ.
Đó chính là công nghiệp to lớn nhất của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu vậy.
HT.Thích Đạt Đạo
CHÙA BÁT NHÃ - BÌNH THẠNH
ĐC: 445/25 Nơ Trang Long, P.13, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM
ĐT: 08 35 533 780
Hotline: 0913 966 971
Email: batnha327@yahoo.com
Website: http://www.BatNhaGiaLam.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét