HÔN NHÂN KHÁC TÍN NGƯỠNG :
“GIỮ VỮNG NIỀM TIN TAM BẢO TRONG HÔN NHÂN VỚI NGƯỞI THEO ĐẠO CHÚA”
Cuộc sống tạo nên mối giao lưu rộng rãi, thanh niên nam nữ gặp gỡ và nẩy nở tình yêu là lẽ thường tình. Trong xã hội, có người theo đạo, có người không theo đạo. Khi tình yêu của đôi trai gái tiến triển để trở thành hôn nhân thì bắt đầu xuất hiện vấn đề theo đạo nào. Nếu hai người cùng một tôn giáo thì chuyện hôn nhân diễn ra suông sẻ. Ngược lại, trong đó có một bên là người theo đạo Chúa (Công giáo hay Tin lành) thì vấn đề trở nên nan giải vì bên theo đạo Chúa buộc người yêu của mình phải theo đạo Chúa mới được làm lễ cưới. Ở nước ta, đạo Chúa là tôn giáo lớn thứ hai sau đạo Phật, số lượng tín đồ khoảng hơn sáu triệu. Số tín đồ Phật giáo khoảng mười triệu. Số gia đình có truyền thống theo đạo Phật khá đông. Thế nhưng, khi đôi trai gái khác đạo lấy nhau thì một số người theo đạo Phật chìu theo ý nhà chồng (vợ) mà cải đạo để được làm lễ cưới. Trước vấn nạn nầy, người Phật tử phải giữ vững niềm tin tam bảo để không làm mất đi lý tưởng cao cả mà chạy theo cuộc sồng tầm thường.
Hôn nhân là mối quan hệ giữa hai người nam và nữ trưởng thành được luật pháp công nhận qua hình thức đăng ký kết hôn. Luật pháp hoàn toàn không phân biệt tín ngưỡng trong vấn đề hôn nhân. Người nam đủ 20 tuổi và người nữ đủ 18 tuổi, không có quan hệ huyết thống, yêu nhau và tự nguyện sống với nhau thành một gia đình, có đăng ký kết hôn thì được luật pháp công nhận là vợ chồng, bắt đầu nảy sinh quyền và trách nhiệm trong quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, khi hai người nam nữ sống với nhau thì nảy sinh vấn đề phải cùng nhìn về một hướng chứ không phải là nhìn nhau như khi mới bắt đầu tình yêu. Tục ngữ Việt Nam có câu : “Đồng vợ đồng chồng tát cạn biển Đông”. Vợ chồng cùng tín ngưỡng rất thuận lợi cho việc tạo dựng hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái.
Hôn nhân khác tín ngưỡng là hôn nhân giữa một người theo đạo này, một ngưởi theo đạo khác. Ở đây chỉ đề cập hôn nhân giữa người theo đạo Chúa (Thiên chúa, Tin lành) và Phật tử.
Khi một cặp trai gái trong đó một người là tín đồ Thiên chúa, một người là Phật tử, sẽ dẫn đển tình huống :
- Chia tay nhau vì không ai chịu bỏ đạo của minh : không nhiều.
- Phật tử chìu người hôn phối đi nhà thờ học đạo, làm phép cưới và trở thành tín đồ đạo Chúa : số nầy không nhỏ.
- Phật tử chìu người hôn phối đi nhà thờ, học đạo, làm lễ cưới nhưng sau đó bỏ đi nhà thờ : chỉ một số nhỏ, thường tan vở vì thiếu hạnh phúc.
- Phật tử theo học giáo lý, làm lễ cưới và đạo ai nầy giữ : không nhiều. Khi có con thì xảy ra tranh chấp vì người theo đạo muốn con minh theo đạo Chúa.
Số lượng Phật tử có khuynh hướng chìu người hôn phối để cải đạo làm lễ cưới khá nhiều vì những nguyên nhân :
- Phật tử được trang bị kiến thức Phật pháp, giáo lý còn hời hợt chưa sâu sắc. Con em trong gia đình Phật tử có bao nhiêu em được cha mẹ đưa đến chùa quy y, nhận pháp danh. Bao nhiêu em được giáo dục về đấng “Tối cao giác ngộ”. Trong khi đó, đạo Chúa đã có nhận thức sâu sắc giáo dục niềm tin vào đức Chúa trời cho những đứa trẻ ngay khi còn trong bụng mẹ qua những buổi đọc kinh, cầu nguyện hàng ngày, qua “phép Rửa tội, “Phép Thêm sức”… Trong gia đình theo đạo công giáo từ ông bà cha mẹ đến cô bác cậu dì đều ý thức giáo dục đứa trẻ niềm tin sâu sắc vào Chúa trời. Người theo đạo thiên chúa không bỏ đạo Chúa vì Thiên chúa đã đi vào máu, xương tủy của họ. Vậy thì, Người theo đạo Phật cũng phải có hình ảnh đức Phật, giáo lý từ bi, hỷ xã, nhân quả ăn sâu vào máu thịt của minh.
-Đạo Phật không đề ra quy định người hôn phối của Phật tử phải học giáo lý đạo Phật, làm “lễ hằng thuận” mới được công nhận là hôn nhận hợp lệ. Đạo Chúa thì trái lại, họ có quy định cụ thể, rõ ràng cho tín đồ là : Người công giáo phải kết hôn theo nghi thức công giáo, phải tham dự lớp dự bị hôn nhân. Nghĩa là nếu người không theo đạo Chúa không học đạo thì linh mục không được làm phép cưới. Đạo Phật là đạo từ bi, tôn trọng sự tự do của mỗi con người. Do đó, gia đình, đạo tràng ít khi lên án một Phật tử vì tình yêu mà bỏ đạo Phật . Ngược lại, nếu một tín đồ Thiên chúa vì tình yêu mà bất chấp quy định của giáo hội thì chỉ có nước bỏ xứ mà đi vì không chịu nỗi điều tiếng của cộng đồng giáo xứ.
-Đạo Thiên chúa đã có những uyển chuyển linh hoạt để lôi kéo Phật tử theo đạo Chúa. Trước đây Giáo hội khắt khe, ngăn trở vì cho rằng lấy vợ, lấy chồng dị giáo dễ mất đức tin. Ngày nay Công giáo xác định “nếu vì hôn nhân mà làm cho bạn mình tin và sống theo Chúa Ki tô thì cuộc hôn nhân đó có thể được khích lệ xét về mặt truyền giáo. Vì thế, nếu khi có tình yêu với người khác đạo, ta nên dùng chính cơ hội nầy để giúp người mình yêu tin và sống theo Chúa Kitô, gia nhập giáo hội. Công giáo, xem hôn nhân khác tín ngưỡng là một cơ hội để phát triển, mở rộng tín đồ cho tôn giáo của minh. Ngược lại, đạo Phật chưa qua tâm nhiều đến việc giáo dục Phật tử đem ánh sáng Phật pháp nhiệm màu đến cho người khác tôn giáo.
-Đạo Phật không chủ trương lợi dụng hôn nhân để quy nạp tín đồ. Một người theo đạo Phật xuất phát từ niềm tin, ý thức tự giác, từ nguyện, đồng thời rất tôn trọng tín ngưỡng và niềm tin của người khác. Đạo Công giáo thì giáo dục tín đồ của minh trong trường hợp hôn nhân không cùng tín ngưỡng như là một hình thức truyền giáo. Một tài liệu của Đạo Thiên chúa đã hướng dẫn cụ thể những việc cần làm cho tín đồ của mình trong hôn nhân khác tín ngưỡng như sau :
+Phải ngôn ngoan và tế nhị, tránh xúc phạm tới tôn giáo của họ, trái lại tỏ ra tôn trọng niềm tin của họ, đề cao những mặt mạnh của tôn giáo họ và nhấn mạnh những đểm tương đồng, Tránh tranh luận hơn thua về tôn giáo. Phải tạo cho ngườui khác đạo ấn tượng tốt về đạo của minh;
+Áp dụng câu”Nhập gia tùy tục’ để khuyến khích họ theo đạo của mình;
+Phải chấp nhận tính cách tương đối trong động cơ ban đầu thúc đẩy họ theo đạo chỉ để lấy vợ lấy chồng chứ không phải do đức tin hay do được cảm hóa thật sự.
+ Có nhiều cơ hội tiếp theo để cảm hóa và các thế hệ con cháu sẽ là Kitô hữu, được giáo dục theo truyền thống giáo hội. Việc cảm hóa là bổn phận phải làm sau.
+ Điều quan trọng tiếp theo là âm thầm cảm hóa bẳng những gương sáng, bằng đời sống Kitô hữu tốt đẹp trong đạo vợ chồng. Dù có những người chồng không tin lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần phải nói lời nào. Do đó, bên Công giáo phải cố gắng và hy sinh gấp đôi.
+ Sống đạo Kitô giáo không có nghĩa là bỏ ông bà tổ tiên. Giáo hội luôn khuyến khích thảo kính cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như đã chết, năng tưởng nhớ, cầu nguyện, xin lễ.
Với những lời dặn dò cụ thể như thế thì liệu bao nhiêu người Phật tử không xiêu lòng ?
Vậy trách nhiệm của Phật tử phải làm gì để giữ vững niềm tin Phật pháp trong hôn nhân với người có đạo thiên chúa?
- Trước hết, phải xác định mục đích lý tưởng của người Phật tử là đạo giác ngộ và giải thoát, giúp ta không trầm luân, đọa lạc luân hồi. Hôn nhân với người mình yêu có thể đem lại hạnh phúc trong cõi tạm này nhưng vì hôn nhân mà bỏ đạo thì mãi mãi trầm luân trong chốn luân hồi, không được giải thoát.
Đối với các bạn trẻ thanh niên nam nữ chưa lập gia đình phải vững lòng tin tưởng vào tam bảo, khi muốn kết bạn thì cần chọn bạn cùng là Phật tử để tránh rắc rối về sau. Chúng ta đã thấy rõ ở phần nêu trên, người theo Chúa ít khi bỏ Chúa để lấy vợ, lấy chồng. Ngược lại, người theo đạo Chúa lấy vợ, lấy chồng là Phật tử là cơ hội để họ thu nạp thêm tin đồ không phải chính người hôn phối thì cũng sẽ là con cháu của mình sau này phải thành Kitô hữu. Đó là chưa kể do khác đức tín, cuộc sống không dễ dàng cho ta cuộc sống hạnh phúc thật sự.
Hai là người Phật tử phải nhớ là “Đã quy y Phật, Pháp, Tăng rối thi dầu cho thời gian, không gian thay đổi cũng không được quyền thay đổi đạo của mình. Đổi đạo tức là phạm giới mà mình đã phát nguyện lúc quy y tam bảo. Theo Phật là trọn đời tin tưởng niềm tin giải thoát chứ không vì ham muốn dục vọng sắc đẹp mà quên đi lý tưởng cao đẹp mà minh đã tin theo.
Ba là người Phật tử phải thực hành chánh pháp theo bát chánh đạo để có lối sống đạo đức, gương mẫu, giữ gìn tốt năm giới cấm để có cuộc sống “Tri túc, thiểu dục”.
Bốn là không bao giờ mập mờ tin tưởng theo kiểu nói “đạo nào cũng tốt” “Đạo ai nấy giữ” vì chúng ta cần nhớ rẳng Đạo chúa không bao giờ cho phép linh mục làm chủ lễ đám cưới cho hai người có hai đạo khác nhau. Nếu vì quá thương nhau tiến tới hôn nhân theo cách “đạo ai nầy giữ thì chúng ta cần nhớ quy định của Công giáo là người có đạo Thiên Chúa phải xin “phép Chuẩn” nơi tòa giám mục. Nếu không có phép chuẩn thì hôn phối bất thành. Để được phép chuẩn phải hội đủ các điều kiện sau :
- Bản thân người theo đạo Công giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết làm hết sức mình để tất cả con cái được rửa tội và giáo dục trong giáo hội Công giáo.
- Phải thông báo cho bên không Công giáo biết những điều bên Công giáo giáo phải cam kết để họ ý thức thật sự về lời cam kết và nghĩa vụ của bên Công giáo.
- Cả hai bên phải được giáo huấn về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào được phép loại bỏ.
Nếu không muốn gặp rắc rối khi tiến đến hôn nhân như trên, người Phật tử cần xác định đối tượng mình tìm hiểu về niềm tin tôn giáo trước khi đặt trái tìm vào người tay người ấy.
Trường hợp hôn nhân khác tín ngưỡng là điều cố tránh nhưng “số phận” đẩy đưa mà người Phật tử phải cam chịu cảnh “đạo ai nầy giữ “ thì cả hai vợ chồng phải nhận thức rằng “ Hạnh phúc của vợ chồng là món quà quý nhất cho đứa trẻ chứ không phải Phật hay Chúa. Anh muốn con anh theo đạo Phật thì anh phải cho vợ con anh thấy cái đẹp, cái lành, cái thiện , tấm lòng vị tha, rông lượng, hiểu biết, yêu thương con người, phải thương yêu chăm sóc, lo lắng cho vợ con, là người chồng mẫu mục, là người vợ thủy chung, tảo tần, đảm đang v…v…Có như thế mới mong có hạn phúc lâu dài cho chính mình và cho con cái. Nhưng dù sau thì con cái vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của người mẹ”vì chín tháng cưu mang, ba năm bú móm” nên đứa con rất dễ chịu ảnh hưởng tôn giáo của người mẹ.
Trách nhiệm của các chùa và các vị tu hành đối với vấn đề hôn nhân khác tín ngưỡng :
1-Tăng cường phổ cập giáo lý Phật Pháp đến Phật tử : Trong vấn đề hôn nhân khác tín ngưỡng các chùa và các thầy có trách nhiệm không nhỏ. Trước hết đó là các thầy cần “Nhập thế nhiều hơn”, nghĩa là không vô tư để Phật tử của mình “từ bỏ đạo Phật” để lấy được vợ, được chồng. Việc đầu tiên là tăng cường công tác hoằng pháp, đưa giáo lý nhà Phật phổ cập rông rãi và sâu sắc hơn đến Phật tử, gia đình và các đạo tràng, làm cho Phật tử ngày càng có niềm tôn kính Phật, tôn kính tam bảo, giữ gìn ngũ giới, làm cho Phật tử nắm vững Phật giáo căn bản của người Phật tử tại gia.
2-Tăng cường rèn luyện phẩm hạnh theo lời Phật dạy cho Phật tử : thường xuyên tổ chức các khóa tu học như “Một ngày an lạc”. “Bát quan trai”, sinh hoạt gia đình phật tử, phát triển hoạt động từ thiện…. để củng cố niềm tin tôn giáo.
3-Biên soạn kinh nhật tụng ngắn gọn, dễ nhớ để tỏ lòng tôn kính Phật, Pháp, Tăng, những lời khấn nguyện nêu bật những dặc tính ưu việt của giáo lý nhà Phật như khuyên tránh làm điều ác, siêng làm điều thiện, yêu thương con người… Phổ biến tranh ảnh, mẫu chuyện về Phật Thích ca, những lời Phật dạycho Phật tử đọc và tụng hàng ngày.
4-Tổ chức cho Phật tử tại gia định hướng cho con em quy y từ nhỏ, thường xuyên cho trẻ con đi chùa lạy Phật. Mỗi gia đình đều có bàn thờ Phật dễ nhìn thấy, dễ dâng hoa, thấp hương, khấn nguyện hàng ngày. Mỗi gia đình tạo thói quen đọc kinh hàng đêm tại nhà bằng bài kinh đã Việt hóa rõ nghĩa.
Một trong những nguyên nhân mà người Phật tử có thể cải đạo để lấy vợ chồng đạo Chúa là chưa có niềm tin vững chãi vào tam bảo, thiếu căn bản kiến thức Phật Pháp. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị của giáo hội Phật giáo đối với đề hôn nhân khác tín ngưỡng chưa thật sự chủ động, con mang tính tự phát ở một số chùa, một số tu sĩ. Cần có tiếng nói chính thống của giáo hội Phật giáo về vấn đề này. Thiền sư Nhất Hạnh thì chủ trương”Chúng ta hãy về nhà thôi- Bụt và Chúa là hai anh em” (Tác phẩm Going home, Buddha and Christ as brother” thì cho hôn nhân khác tín ngưỡng cùng tồn tại, ngày rằm và mùng Một hai vợ chồng cùng đi chùa; ngày Chủ nhật hai vợ chồng cùng đi nhà thờ. Linh mục Phạm Ngọc Khuê nhà thờ Phát Diệm phát biểu khi tiếp Thiền sư Nhất Hạnh nói :“ Giáo hội Công giáo không bào giờ ngăn chặn hai người nam nữ thương yêu nhàu và tiến tới hôn nhân với nhau; đó là điều chắc chắn thuộc về giáo luật, không ai có quyền ngăn cản tình yêu của họ, vì đó là tuyệt đối”. Vâng đúng thế, tình yêu thì không ai có quyền ngăn cấm nhưng khi tiến đến hôn nhân thi phải theo quy định của giáo hội. Các bạn trẻ hãy thật sự bình tĩnh khi chọn cho mình đối tượng để khi yêu mà không vì người yêu mà mình phải hy sinh từ bỏ đạo Phật của mình các bạn nhé!
Bài tham luận của Hòa Thượng Thích Đạt Đạo
CHÙA BÁT NHÃ - BÌNH THẠNH
Thưa thấy con cải đạo theo chồng nhưng trong tâm con chỉ tin theo Đức Phật vậy con có thể tiếp tục quy y được không ạ
Trả lờiXóa